I. SƠ LƯỢC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC LÔ LÔ HUYỆN MÈO VẠC
1. Khái quát chung
Hiện nay, người Lô Lô ở huyện Mèo Vạc, sinh sống chủ yếu tại hai xã Xín Cái và Thị trấn Mèo Vạc, với dân số chiếm khoảng 970 người, chủ yếu thuộc ngành Lô Lô hoa, người Lô Lô còn được gọi bằng tên khác như: Ô man, Lu Lọc màn, La La, Qua La, Di nhân, Di Gia, Lạc Tô... Song tất cả đều có nghĩa là người Di.
Xóm Sảng Pả A, Thị trấn Mèo Vạc – nơi sinh sống của dân tộc Lô Lô
Giữa thế kỷ thứ XVIII, dân tộc Lô Lô và một số dân tộc khác từ Trung Quốc đã sang sinh sống ở vùng đất Mèo Vạc. Một bộ phận từ Lũng Cú - Đồng Văn tách ra đi sang sinh sống tại đất Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Vì vậy người Lô Lô ngày nay đều coi huyện Mèo Vạc là quê hương của họ.
2. Đời sống kinh tế
Người Lô Lô chủ yếu sống bằng nghề nông, trong đó: Trồng trọt là chủ yếu, chăn nuôi chiếm một phần không đáng kể. Ngoài làm nông nghiệp, người Lô Lô còn làm một số nghề thủ công truyền thống như: Làm mộc, nghề thêu,...Chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Hiện nay, người Lô Lô ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc đều biết làm nghề truyền thống, có 20 nghệ nhân giỏi nghề thêu, 01 nghệ nhân giỏi về nghề thầy cúng.
3. Đời sống văn hóa – xã hội
3.1. Nhà ở:
Người Lô Lô là một dân tộc theo chế độ phụ hệ, chính vì vậy nhà ở của người Lô Lô là không gian cư trú của một gia đình phụ hệ. Gia đình ở Làng Lô Lô nói riêng và người Lô Lô nói chung thường sống từ một đến hai thế hệ, rất ít gia đình có từ ba đến bốn thế hệ. Tuy nhiên về mặt cố kết gia đình, dòng họ cộng đồng của dân tộc Lô Lô ở Mèo Vạc nói riêng và người Lô Lô ở Hà Giang nói chung là rất bền chặt.
Kiến trúc ngôi nhà truyền thống của dân tộc Lô Lô
Họ thường sống từng thôn riêng biệt, vì thế trong sinh hoạt lễ nghi, lễ hội, trong quan hệ hôn nhân của người Lô Lô mang một bản sắc riêng rất dễ nhận thấy.
Việc chọn đất và hướng làm nhà ở của người Lô Lô rất cẩn thận và tỉ mỉ. Trước khi làm nhà người Lô Lô phải xem xét kỹ hướng đất, có tốt thì mới quyết định dựng nhà. Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác như người Mông ở Mèo Vạc, người Lô Lô thường làm nhà ở của mình là nhà trình tường, hai (02) mái: Mái trước và mái sau, thu hẹp lên nóc, để tránh gió lạnh về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Nhà ở của người Lô Lô thường quay về hướng Tây hoặc Tây Nam. Thiết kế và làm nhà ở của người Lô Lô cũng được kiến trúc và tổ chức theo không gian quy mô hẹp. Bởi nhà ở của nưgời Lô Lô không tập trung như các làng xã ở đồng bằng mà họ ở rải rác, trước và sau nhà thường là ruộng, nương Người Lô Lô thường làm nhà ba gian và không có chái. Xung quanh nhà có hệ thống tường rào bao bọc, trước nhà có sân nhỏ.
* Cấu trúc nhà ở: Nhà ở của người Lô Lô thường chia làm ba gian:
+ Gian khách: Là gian chính giữa nhà, thường dùng để tiếp khách, kê một bộ bàn ghế do nam giới đóng. Bàn rộng khoảng 1,0 m - 1,2 m, dài từ 1,8 - 2,0 m. Ghế là những chiếc ghế do người Lô Lô tự thiết kế rất đơn sơ: Đóng bằng một miếng ván dài 1,8 m, rộng khoảng 20 - 22 cm và đóng bằng bốn cây gỗ tròn nhỏ làm chân ghế, đường kính khoảng 10 - 12 cm. Bàn đặt ở giữa, hai bên kê hai chiếc ghế. Phía bên trên là một bàn thờ nhỏ gắn lên tường. Bên dưới đặt bát hương để thắp cúng vào những dịp như: Thanh minh (3/3), Tết Đoan ngọ (5/5), Tết tháng 7 (14, 25/7 âm lịch).
+ Gian buồng: Là gian dành cho vợ chồng chủ nhà ở. Người Lô Lô cho rằng vợ chồng cần ở gian buồng cho kín đáo. Gian này chỉ để hòm quần áo của đôi vợ chồng và một số tư trang cá nhân khác.
+ Gian bếp: Là gian để đun nấu bữa ăn cho gia đình, gian này giành cho trẻ em ở. Về mùa đông bếp của người Lô Lô thường đỏ lửa suốt đêm, để trẻ em ở gian
này sẽ ấm áp, không bị lạnh.
+ Cầu thang và gác: Cầu thang thường có 9 - 11 bậc. Có chiều rộng 60 cm, khoảng cách giữa các bậc cầu thang là 40 cm, chiều dài của cầu thang tuỳ thuộc vào số bậc có thể từ 3 - 3,5m.
+ Gác xép: Là nơi cất giữ và bảo quản lương thực, thực phẩm của người Lô Lô trong năm. Sàn gác làm bằng gỗ, cách mái nhà 1 - 1,5 m. Những gia đình đông con họ bố trí con cái ngủ trên gác xép này.
+ Khuôn viên (Sân nhà): Trước nhà người Lô Lô thường có một khoảnh sân, phía trái sân là bể nước và chuồng trại gia súc, gia cầm, phía phải là để dành phơi trang phục quần áo, phơi lương thực như: Ngô, thóc, đậu...
* Cấu trúc và kỹ thuật làm nhà:
+ Khung nhà: Khung nhà thường được làm bằng gỗ, có kết cấu tương đối đơn giản, khung nhà được giữ bằng các xà ngang (Lù Phù). Những vì kèo được liên kết với nhau bằng hệ thống đòn tay, ngang dọc để làm khung lợp mái. Nhà được thiết kế bởi ba gian, gian giữa nhà (Gian khách) thường được thiết kế rộng 3,5m, hai gian trái rộng mỗi gian 3m.
Giữa nhà được dựng một khung có nóc gọi là xà đốc (Sảng lè), trước khi dựng xà đốc người ta phải xem ngày, giờ tốt thì mới dựng xà đốc, khi dựng xà đốc người ta buộc một miếng vải đỏ, đóng ba đồng bạc già vào thân xà đốc, buộc một túi thóc nếp, một túi ngô nếp lên hai đầu xà đốc. Dựng xà đốc xong, bắt một con gà trống cho uống ít rượu, rồi thả con gà trống lên trên, làm hai túi bánh dầy bố trí hai người đứng hai đầu xà đốc và tung bánh xuống cho trẻ em trong xóm ăn, cầu chúc cho ngôi nhà được xây cất cẩn thận và gia chủ làm ăn phát tài.
+ Mái nhà: Nhà ở truyền thống của người Lô Lô bao gồm hai mái, mái trước và mái sau. Mái nhà được lợp bằng ngói máng. Một hệ thống dui mè bằng gỗ được gác lên trên đòn tay làm chỗ dựa và đỡ những viên ngói. Ngói được lợp thành hàng ngửa sau đó giữa hai hàng ngói ta lợp chồng lên hàng úp để mái nhà kín tạo thành các rãnh để thoát nước khi trời mưa. Tuy nhiên hiện nay theo chương trình 135 của tỉnh hỗ trợ cho đồng bào vùng cao mỗi gia đình "Một mái nhà, một bể nước, một con bò" ở Làng Lô Lô Sảng Pả A cũng đã sử dụng các tấm lợp Frôxi măng để lợp nhà.
+ Tường nhà: Tường nhà làm bằng tường đất, công đoạn làm tường rất công phu, trước khi làm tường người ta làm một khuôn bằng gỗ để trình tường.
Cấu trúc khuôn: Khuôn có chiều rộng 45 cm, dài 2,2 m.
- Khâu làm đất: Đất dùng để trình tường không cho nước vào, nếu là đất có nhiều sỏi hoặc nhiều đá xít thì càng tốt, nó giúp cho tường chặt đỡ bị nứt. Đất dùng để làm tường không được để qua đêm, khi mang đất lên phải đổ vào khuôn và dùng chày gỗ để lèn đất cho thật chắc. Người ta trình hai tường ở hai đầu đốc trước, nếu là nhà ba gian, có gác, tường thường cao 7 - 7,5 m. Tường trước và tường sau thường cao từ 5 - 5,5m.
Khâu trình tường là công việc rất kỳ công, vì vậy để làm xong một ngôi nhà phải mất một thời gian khá dài từ 3 - 4 tháng. Mỗi một khuôn đất phải tốn từ 2 - 3 giờ đồng hồ với hai người hai đầu để giã đất và bốn người xúc đất, khiêng đất lên đổ vào khuôn. Khi làm tường, người ta tránh không dùng nước tưới, nếu gặp trời mưa phải đậy kín tường, tránh để tường ướt nước thì kết cấu tường mới chắc chắn không bị nứt.
+ Cửa nhà: Hệ thống cửa của nhà ở người Lô Lô ở Làng Sảng Pả A rất ít, chỉ có một cửa chính (ở gian khách) và một cửa phụ ở gian bếp, có hai cửa sổ, được đóng bằng gỗ. Cửa chính giữa quay về hướng Tây và hướng Tây Nam. Cửa chính có chiều rộng cao 1,2m, cao 2,0m, bao gồm hai cánh, mỗi cánh rộng 60 cm, khi mở được quay vào phía trong nhà để tránh đập cánh cửa vào tường làm nứt tường, vì nhà của người Lô Lô quay hướng Tây và hướng Tây Nam, cửa quay ra phía ngoài thì vào mùa hè nắng to sẽ làm hỏng cửa. Cửa được đóng vào khuôn cửa bằng bản lề. Hai cửa sổ thì nằm ở hai gian ( Gian trái và gian phải) được lắp ở mặt tiền (Mặt trước) không để ở mặt hậu. Hai cửa sổ có kích thước rộng như nhau: Chiều rộng 60 cm, chiều cao 80cm và chỉ có một cánh. Hai cánh cửa đều được mở quay vào phía trong nhà. Ngoài tránh ánh nắng mặt trời làm hỏng cửa người Lô Lô quan niệm: Cửa chính và cửa sổ quay vào phía trong nhà nghĩa là để đón những điều tốt đẹp đến với gia đình mình.
+ Tường rào: Điểm đặc biệt và cũng là nét chung đối với các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn - Hà giang, xung quanh nhà của ngời Lô Lô đều được xếp tường rào bằng đá. Bởi vì khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt, hơn nữa trước đây vùng núi cao có nhiều thú dữ, đồng bào xếp đá để ngăn ngừa thú dữ đến quấy phá nhà và ngăn chặn nạn trộm cớp, ngăn không cho gia súc, gia cầm ra ruộng, nương phá hoại hoa màu. Chân tường rào thường xếp những viên đá to kích thước từ 30 - 40 cm x 20 cm, càng lên cao những viên đá nhỏ dần, chiều cao của tường thường từ 1,0 - 1,5 m.
Hiện nay ở thôn Sảng Pả A không còn một ngôi nhà nào được làm cách nay khoảng vài chục năm. Việc làm nhà xét về mặt cấu trúc, cách trang trí, bài trí vẫn giữ nguyên nét đặc trưng truyền thống của dân tộc Lô Lô. Cách dựng nhà ở Làng Lô Lô Sảng Pả A là do tổ tiên họ truyền lại, công việc làm nhà được anh em họ hàng coi như việc lớn, việc chung của dòng họ.
3.2. Nghề truyền thống:
* Nghề thêu:
Phụ nữ Lô Lô ngay từ nhỏ đã được các bà, mẹ, chị dạy cho cách thêu thùa để may váy áo trang phục của dân tộc Lô Lô. Cách thêu của người phụ nữ Lô Lô không cần dùng khung để thêu, họ chỉ cầm vải để thêu. Đường nét hoa văn trên áo là những hình vuông, hình tam giác, hình chim chạy vòng quanh chân áo, váy. Các đường kim mũi chỉ được người phụ nữ Lô Lô xử lý rất khéo léo và tinh tế. Xưa kia bà con tự dệt vải, chỉ để thêu, ngày nay một phần do đất canh tác hạn hẹp và việc dệt vải tốn nhiều thời gian nên bà con thường mua sẵn vải, chỉ thêu ở ngoài chợ. Vật liệu chính trong nghề thêu là: Kim và các loại chỉ màu.
Người phụ nữ Lô Lô tự thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình
*Trang phục:
Sự tinh hoa hay bản sắc của mỗi dân tộc và sự khác biệt dễ nhận thấy ở các dân tộc vùng cao là thông qua trang phục của họ. Trang phục truyền thống hiện nay của ngời Lô Lô vẫn được duy trì và sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên để tiện cho công việc lao động sản xuất nhân dân cũng muốn mặc đơn giản các bộ quần áo âu phục hiện đại.
Trang phục nữ của dân tộc Lô Lô ở Mèo Vạc
- Trang phục nữ: Phụ nữ Lô Lô ở Làng Lô Lô Sảng Pả A thường mặc váy và áo màu sặc sỡ. áo cổ vuông, chui đầu, thêu hoa hình chim chạy vòng quanh sát gấu váy, dưới cổ áo là mảnh vải hình chim; Tay áo chùng và rộng được ghép bằng những mảnh vải khác màu. Váy dài, rộng, hai lần chiết ly gần đầu gối và dưới cạp. Phía sau chùm miếng vải đen hình chữ nhật. Dọc thân hai bên sườn đính tiền kẽm, cúc nhựa đều đặn. Dây lưng thêu hoa và buông dài chỉ màu sặc sỡ. Chân quấn xà cạp màu đen. Khăn đội đầu bằng vải chàm đen, hai đầu thêu và buông những tua màu, mép được thêu hoa văn hoặc đính những hàng cúc nhựa thành hoa văn chạy dài và đều. Phụ nữ đeo nhiều loại vòng tay, vòng cổ và đeo hoa tai.
- Trang phục nam: So với nữ giới trang phục của Nam giới đơn giản hơn: áo của nam giới là áo được dệt bằng vải chàm, màu đen không có cổ được tạo thành hai mảnh rõ rệt, được khoét nách có khuy cúc, được cài dọc theo sườn phải. Nam giới mặc quần chân què, vải chàm một màu. Đầu vấn khăn có trang trí các hoa văn trên khăn.
3.3. Công cụ sinh hoạt:
* Công cụ lao động sản xuất: Dân tộc Lô Lô ở thôn Sảng Pả A sinh sống chủ yếu là trồng ngô vì vậy người Lô Lô rất chú trọng vào việc trang bị các dụng cụ lao động sản xuất. Tuy nhiên nghề thủ công về rèn đúc của người Lô Lô không phát triển. Họ trao đổi công cụ lao động bằng sản phẩm do lao động làm ra như: Ngô, chứ họ không phát triển nghề rèn. Ngày nay họ cũng sắm công cụ lao động qua mua bán, trao đổi.
Các công cụ phục vụ cho lao động sản xuất như: Cày, bừa, cuốc bướm, dao quắm. Những dụng cụ này: Cày, bừa dùng để cày nương, Dao quắm dùng để phát nương, Cuốc bướm dùng để làm cỏ. Bừa có thể họ tự đục đẽo được, nhưng dao quắm, cuốc bướm họ thường trao đổi và mua bán với người Mông. Người Mông rèn công cụ giỏi và có nhiều kinh nghiệm hơn trong nghề rèn.
3.3.1 Nhạc cụ truyền thống:
Dân tộc Lô Lô ở Xóm Sảng Pả A tự hào vì đã có mặt sớm ở Mèo Vạc - Hà Giang và trở thành chủ nhân sớm nhất của vùng đất này. Qua tìm hiểu và khảo sát về người Lô Lô cho thấy trước đây người Lô Lô cũng có chữ viết nhưng từ lâu chữ viết đó không sử dụng đến và nó chỉ còn ghi lại dấu ấn trong tiềm thức của những người cao tuổi. Điều đáng ghi nhận ở đây là người Lô Lô vẫn còn lưu giữ những nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Có thể thống kê những nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô gồm những nhạc cụ sau:
+ Bộ gõ: Trống đồng một nhạc cụ tiêu biểu, đại diện cho nét văn hoá độc đáo của dân tộc Lô Lô.
+ Bộ hơi: Gồm sáo Kờ- lế , Kèn Pí – lè.
+ Bộ dây: Nhị (Làn rì)
* Trống đồng (giảng ): Một nét văn hoá truyền thống và tồn tại rất lâu đời đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, hiện nay người Lô Lô xóm Sảng Pả A được hỗ trợ khôi phục 01 bộ trống đồng của dân tộc.
Trống đồng người Lô Lô coi nó như những kỷ vật linh thiêng nhất của dân tộc mình. Người Lô Lô quan niệm trống đồng bao giờ cũng đi thành cặp (Gồm trống cái và trống đực): Trống cái người Lô Lô gọi là: giảng mi, còn trống đực gọi là: giảng mo. Trống cái có chiều cao 37 cm, đường kính mặt trống: 61 cm, đường kính chân trống là 56 cm. Trống đực có chiều cao 37 cm, đường kính 51 cm, đường kính chân trống là 56 cm.
* Nhị (lo chì): Là bộ dây duy nhất trong nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô. Nhị được dùng làm nhạc đệm trong các lễ hội như: Mừng lúa mới, ngô mới, dùng trong các đám hiếu, hỉ.
Cấu tạo của nhị: Gồm 4 bộ phận: Hộp cộng hưởng thường được làm bằng quả bầu, hai mặt được bịt bằng da ếch, Thân nhị: có chiều dài 80 cm được làm bằng gỗ mụn, đầu thân nhị được chạm khắc hình đầu con gà trống có mào.
Nhị được người Lô Lô sử dụng trong những dịp lễ hội
Dây nhị: Được làm bằng dây thép, căng dọc theo thân nhị buộc vào đầu hộp cộng hưởng.
Tay kéo: Có chiều dài 60 cm uốn cong hình cánh cung, có dây buộc hai đầu, dây của tay kéo nhị được làm bằng lông đuôi ngựa.
3.4.1. Món ăn truyền thống:
Người Lô Lô ăn cơm là "Mèn mén - bột ngô đồ", ngoài ra người Lô Lô còn nấu cơm bằng gạo như người Kinh.
Người Lô Lô cũng giống các dân tộc khác sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn, món ăn chủ yếu của họ là các loại rau và các loại đậu: Rau cải, Đậu Hà lan, đậu cô ve, đậu răng ngựa...
Thịt: Gồm thịt lợn, thịt gà, thịt dê và đặc biệt trong các phiên chợ hay trong các lễ hội đồng bào có món ăn truyền thống đó là: Thắng cố - Cho các phần nội tạng đã làm sạch của gia súc vào nấu trong một cái chảo lớn, được bỏ thêm các gia vị như: Sả, gừng, hạt tiêu, hạt dổi, thảo quả, ớt... Đặc biệt ngời Lô Lô có món thịt lợn, đó là: Thịt lợn ớp muối treo trên gác bếp, phơi khô dùng để ăn quanh năm. Vì kinh tế người Lô Lô là "Tự cung, tự cấp", đồng bào mổ lợn vào cuối năm, rồi làm món thịt treo để ăn dần. Khách đến nhà đồng bào cũng lấy món thịt treo ra đãi khách. Ăn chưa quen cảm thấy món thịt treo có mùi vị khói, nhưng khi quen rồi lại thấy món ăn có một hương vị riêng, không thể quên được.
Thường thường người Lô Lô chỉ ăn hai bữa trong một ngày: Bữa sáng - bữa chính khoảng 9h và bữa chiều tối khoảng 18 h - 19h.
4.Thờ cúng:
4.1. Thờ cúng tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên là phong tục lâu đời của ngời Lô Lô. Theo quan niệm truyền thống của ngời Lô Lô thì tổ tiên là ông, bà, cha, mẹ...đã sinh thành và nuôi dưỡng mình và đã qua đời, họ phân chia tổ tiên thành hai bậc: Tổ tiên gần gọi là (Duỳ Khế) gồm những người từ ba đời trở lại (Cha, mẹ, ông, bà, cụ) đã qua đời. Trước khi lập bàn thờ Duỳ khế, phải mổ một con gà, đặt một chai rượu, thầy cúng khấn xin tổ tiên rồi mới được lập.
Phong tục Lô Lô chỉ lập một bàn thờ Duỳ Khế, còn Pờ xì chỉ đọng lại trong tâm tưởng kính trọng biết ơn của những bậc con cháu. Vì thế, nhà người Lô Lô nào cũng có bàn thờ Duỳ Khế. Bàn thờ được tạo ra bằng miếng gỗ hoặc nóc tủ kê sát vách của gian khách (Gian chính giữa) đối diện với cửa chính. Trên đó có đặt bát hương để cắm hương khi hành lễ. Đặc biệt trên bàn thờ có đẽo các miếng gỗ hình nhân, trên đó có vẽ khuôn mặt: Mắt, mũi, mồm... Tượng trưng cho người đã quá cố; Cắm thứ tự theo từng thế hệ từ cao đến thấp. Nếu người quá cố chỉ có một vợ, một chồng mà cả hai đã qua đời thì cắm hai hình nhân; Nếu họ có hai vợ thì cắm ba hình nhân, nhưng nếu vợ hoặc chồng vẫn còn thì chỉ cắm một hình nhân...Các hình nhân tượng trưng cho tổ tiên này được cài vào vách bàn thờ theo thứ bậc thế hệ tính từ trái sang phải: Đầu tiên là bố, mẹ rồi đến ông, bà và cuối cùng là các cụ sinh ra ông, bà. Phần nhiều các bàn thờ tổ tiên của người Lô Lô cũng chỉ thể hiện đến đời thứ ba cách con trưởng. Nên người lạ đến nhà người Lô Lô nhìn vào bàn thờ tổ tiên của họ là người ta có thể biết được bố mẹ của chủ nhà còn hay mất, tình trạng hôn nhân của các thế hệ trước của chủ nhân ra sao và chủ nhân có phải là người trưởng tộc của dòng họ hay không. Cách bày đặt bàn thờ tổ tiên của người Lô Lô thật độc đáo, là nét văn hoá chưa thấy xuất hiện ở các dân tộc khác của Việt Nam.
Việc cúng tổ tiên của người Lô Lô được tiến hành vào dịp tết nguyên đán (Gọi là Tết Cả), tết tháng 7 và những dịp trong nhà có các công việc khác nhhư: làm nhà mới, dựng vợ, gả chồng cho con ...Họ đều dâng lễ cúng trình tổ tiên.
Đối với tổ tiên xa, việc thờ cúng không có quy định gì chặt chẽ, bởi vì người Lô Lô thường chỉ thờ ba đời.
4.2. Thờ thần thổ công:
Cứ vào tháng 7 hàng năm, dân Làng Lô Lô lại làm lễ cúng thổ công, cúng cho tổ tiên họ và cúng các loại ma xa gần, cầu cho mùa màng tốt tơi, con người được khoẻ mạnh. Theo tục lệ, cứ hai năm cúng một lần thì cúng nhỏ vào ngày 14/7 (Âm lịch) với lễ vật ít như: rượu, xôi, gà và tổ chức múa hát 03 ngày, nhưng nếu ba năm mới cúng một lần thì cúng lớn hơn như: Mổ bò và diễn ra vào ngày 24/7 kéo dài đến 29/7, tổ chức 05 ngày liền. Trong những ngày lễ hội dân xóm nghỉ việc nương rẫy chỉ làm việc nhà. Suốt những ngày diễn ra đám cúng, ở đầu Làng và các đường vào Làng người ta cắm những cây "Nêu" thường là cây trúc trên ngọn có cài mấy cái lông gà ám hiệu cho khách lạ không được vào làng. Khách lạ tới coi như đám cúng không thành và người khách đó phải mua lễ vật khác để dân làng làm đám cúng lại. Cây nêu ám hiệu cấm kỵ ở đầu làng và các lối vào làng cũng cấm luôn người trong làng không được ra khỏi làng trong những ngày diễn ra lễ hội. Người Lô Lô quan niệm nếu khách lạ vào làng hoặc người trong làng ra khỏi làng thì sẽ đem mầm bệnh và ma quái vào làng. Tổ chức cúng chung cả làng xong, mỗi gia đình lại thịt gà đem ra đầu nương cúng thần đất, thần rừng, tổ tiên phù hộ cho mùa màng tốt tơi, con người được khoẻ mạnh.
Ngoài các lễ trên khi mùa màng bị sâu bệnh người Lô Lô còn đóng góp gạo, tiền làm lễ cầu mưa, cầu cho mùa màng tốt tơi, cầu cho làng bản, người và vật không bị dịch bệnh.